Phân loại ắc quy, tên gọi và công dụng của chúng
Ắc quy châm nước
Với dòng sản phẩm này, người sử dụng phải định kỳ châm nước để bảo dưỡng ắc quy. Nếu không châm nước kịp thời, ắc quy sẽ mất khả năng tích điện & phóng điện. Các nút châm nước của dòng sản phẩm này được thiết kế lộ thiên để tiện cho việc châm dung dịch mỗi khi bảo trì. Nhược điểm của dòng sản phẩm này là khi nạp điện & phóng điện, ắc quy sẽ bốc mùi hôi rất khó chịu. Đó cũng chính là lý do vì sao nó được thiết kế hầu hết cho các ứng dụng ngoài trời (outdoor), chủ yếu là khởi động máy móc thiết bị (như xe máy, ô tô, máy phát,…). Nếu đặt nằm ngang hoặc úp xuống, điện dịch sẽ tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Hãy nhớ, đây là dòng ắc quy khởi động, không dùng cho những mục đích khác ngoài khởi động.
Ắc quy miễn bảo dưỡng (MF – Maintenance Free)
Đây là dòng sản phẩm có cùng công dụng như dòng thứ 1, nhưng giúp cho người dùng rảnh tay hơn một chút. Miễn bảo dưỡng tức là chúng ta không cần phải tháo lắp, châm nước như dòng sản phẩm trên. Chỉ việc dùng và khi hỏng thì thay mới. Người ta hay gọi dòng sản phẩm này là “khô”, nhưng không – theo tên gọi quốc tế là “miễn bảo dưỡng”.
Vì đây là dòng ắc quy a-xít chì, cadium được thiết kế cho mục đích khởi động, bên trong đã có sẵn a-xít. Nếu để một bình ăc quy loại này cho nằm sấp, nằm nghiêng, nằm ngang, khoảng 5 phút sau a-xít sẽ rò rỉ ra ngoài. Ở trong ắc quy này đã có nước (dung dịch a-xít) và bản cực. Do nó không cần phải châm nước nên dàn nút châm nước được ẩn xuống dưới mặt phẳng của ắc quy. Điện cực của ắc quy này cũng rất to phù hợp với nhu cầu khởi động. Xin nhắc lại, đây là dòng ắc quy khởi động – tuyệt nhiên không nên dùng cho UPS (kích điện). Khi nạp điện (charge) và khi phóng điện (discharge), a-xít phản ứng với chì sản sinh ra khí độc, nguy hại cho những người xung quanh.
Ắc quy công nghệ EFB (Enhanced Flooded Battery)
EFB là dòng ắc quy cải tiến của dòng MF, nhằm đáp ứng được qui trình khởi động – khởi động nhanh thường xuyên dùng cho các xe sử dụng công nghệ Start-Stop như dòng xe MAZDA và các dòng xe hiện đại ngày nay. Ắc quy công nghệ EFB tăng số lần sử dụng Start-Stop cao hơn gấp 3 lần. Ắc quy công nghệ EFB không chỉ dùng cho dòng xe hiện đại mà còn có thể sử dụng cho các dòng xe phổ thông với thời gian và độ bền cao hơn nhiều lần so với ắc quy truyền thống.
Ắc quy kín khí (AGM – Absorbent Glass Mat) với van điều áp (VRLA – Valve Regulated Lead Acid)
Hãy gọi dòng sản phẩm này là kín khí nhé (một số người hay gọi là khô kín khí – nhưng ở đây – chúng ta cùng thống nhất là kín khí). Kín với cả khí thì dung dịch đố mà tràn ra được. Bạn có thể gá nó theo chiều nào bạn muốn – nước vẫn không thể lọt ra ngoài. Tại sao không gọi là khô kín khí như người ta thường gọi? Đơn giản vì đây cũng là ắc quy chì – axit, nhưng được đóng kín với hệ thống van điều áp tích hợp – đủ an toàn cho người sử dụng. Dòng này được ứng dụng rất rộng từ dân dụng cho đến công nghiệp.
Nhà sản xuất thường chia ra nhiều mục đích và cấp độ khác nhau để ứng dụng cho dòng sản phẩm này. Từ lưu điện cho hệ thống đèn khẩn cấp, thiết bị an ninh, UPS, cho đến xe đạp điện, quang năng, phong năng, ứng dụng viễn thông, điện lực…Tuy nhiên, nhìn chung chúng được phân cấp theo hai nhóm chính là ứng dụng standby và deep cycle. Xe điện, quang năng, phong năng thuộc nhóm deep cycle, còn lại thuộc về nhóm standby.
Ắc quy AGM Gel (Semi gel)
Dòng sản phẩm này được phát triển dựa trên dòng AGM VRLA. Chỉ khác mỗi một điểm là trên bề mặt của AGM VRLA được phủ thêm một lớp gel. Lớp gel này có khả năng làm chậm quá trình bay hơi (thoát khí) của dung dịch bên trong ắc quy. Điều này đồng nghĩa với tuổi thọ của ắc quy cũng được nâng lên.
Ắc quy 100% Gel
Dòng sản phẩm này là đỉnh cao của AGM Gel. Tuy nhiên, giá thành đang là một trở ngại lớn cho người sử dụng.
Ắc quy khô
Nếu bạn tháo remote TV, máy điều hòa, hay thỏi pin máy điện thoại, laptop và nói rằng “đây là ắc quy khô” thì bạn đã chính xác 100% rồi đó! Đây mới đúng nghĩa là ắc quy khô.
Một số gợi ý giúp bạn sử dụng, bảo quản, và tối ưu công dụng của ắc quy
Khi mới mua về, bạn nên nạp điện cho ắc quy no rồi mới đem vào sử dụng (nạp không tải). Thời gian nạp điện thông thường (với dòng nạp quy chuẩn bằng 1/10 so với dung lượng của ắc quy) sẽ khoảng 10 giờ. Khi xuất xưởng, acquy thông thường đã được nạp đầy, tuy nhiên từ khi xuất xưởng đến lúc bạn mua về luôn có 1 khoảng thời gian trung chuyển, lưu kho nhất định. Khoảng thời gian này càng lâu thì mức độ tự phóng điện (self life) của ắc quy càng nhiều. Tự phóng điện của ắc quy vào khoảng 12%-20%/ 06 tháng. Đây cũng chính là lý do nhà sản xuất luôn khuyên bạn nếu không sử dụng trong vòng 6 tháng thì phải đem ắc quy sẽ nạp no rồi mới lưu kho trở lại. Tham khảo trong catalogue sản phẩm mục “Capacity Retention Characteristic”
Nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của ắc quy. Nhiệt độ lý tưởng cho ắc quy hoạt động là từ 0℃-25℃. Ngưỡng an toàn đối với ắc quy khi nạp <40℃ | Phóng <50℃ | Lưu kho <40℃. Người ta đồn rằng, cứ mỗi 8 độ tăng lên từ chuẩn lý tưởng (tuổi thọ thiết kế được xác định tại 25℃), thì tuổi thọ của ắc quy sẽ giảm đi một nửa. Các bạn có thể tham khảo thêm về mục này trong catalogue của từng sản phẩm có thể download tại trang web này trong mục “hỗ trợ tài liệu” ngay dưới phần chi tiết sản phẩm – “Effect of Temperature on Capacity 25℃”
Dòng nạp: Dòng nạp quá lớn chỉ làm cho ắc quy mau hư hỏng mà thôi. Các bạn nên dùng dòng quy chuẩn là 1/10 dung lượng của ắc quy hoặc nhỏ hơn tí.
Điện áp nạp: Điện áp quá cao sẽ làm cho ắc quy bị trương phù, điện áp quá thấp sẽ không nạp đủ điện cho ắc quy. Nếu phải nạp thường xuyên thì điện áp nạp của bộ nạp đối với ắc quy 12VDC sẽ là từ 13.50VDC đến 13.80VDC; đối với ắc quy 6VDC là 6.75VDC – 6.90VDC; đối với ắc quy 2VDC là 2.21VDC – 2.25VDC; Nếu nạp theo chu kỳ thì điện áp nạp tương ứng sẽ là: 14.4VDC – 15.0VDC/ 7.20VDC – 7.50VDC/ 2.33VDC – 2.36VDC.
Bảo trì ắc quy định kỳ cũng là một cách nâng cao tuổi thọ cho bình ắc quy.